-
- Thêm vào giỏ hàng thành công
04/07/2019
Chia sẻ kinh nghiệm chọn mua găng tay xe máy
Sẽ có một chút tranh cãi rằng trang bị an toàn quan trọng nhất mà bạn mang trên người khi đi Phượt là mũ bảo hiểm - bạn cần một cái đầu còn nguyên vẹn để sống và sẽ tốt hơn nếu khuôn mặt của bạn không bị trầy xước nếu có tai nạn xảy ra, bởi vì giá tiền để làm lại các bộ phận như răng, cằm, môi... sẽ cao hơn nhiều so với giá của một chiếc mũ bảo hiểm, đó là chưa kể những cơn đau về thể xác và chấn thương từ tinh thần. Câu hỏi khó khăn hơn là: phần thứ hai của trang bị an toàn quan trọng nhất bạn nên sử dụng là gì?
Nó gây tranh cãi, nhưng với lý do chính đáng, nhiều tay đua lựa chọn đó là găng tay xe máy. Bản năng cơ bản của con người sẽ đặt tay xuống trong trường hợp té ngã, và trong một tai nạn xe máy, nếu không có găng tay thì tay của bạn có thể hứng chịu những tác động khủng khiếp. Hãy suy nghĩ về việc bạn dùng tay bao nhiêu lần trong một ngày - cho dù bạn làm việc ở công trường hay trên bàn làm việc. Không hề quá khi đôi tay chính là công cụ kiếm tiền cho bạn, và mọi công việc hằng ngày từ ăn trưa đến đi vào phòng tắm sẽ là một cơn ác mộng nếu không sử dụng tay. Bạn sử dụng chúng cho mọi thứ, để bảo vệ chúng bài viết này mình sẽ chia sẻ mọi thông tin mình biết về găng tay xe máy.
Điều gì tạo nên một găng tay xe máy?
Giả sử bạn biết rằng cần một găng tay xe máy khi lái xe. Câu hỏi tiếp theo là bạn sẽ chi bao nhiêu tiền cho một cái găng tay, tại sao lại không mua loại vài chục nghìn mà phải mua loại đắt hơn? Nó khác nhau về cái gì?
Găng tay xe máy có nhiều tính năng cụ thể được thiết kế để làm hai việc quan trọng khi lái xe.
Một là, bảo vệ bàn tay của bạn từ môi trường, cho bạn cảm giác thoải mái và kiểm soát tốt trong khi điều khiển xe máy.
Hai là, bảo vệ bàn tay của bạn khỏi chấn thương và tác động trong trường hợp xảy ra sự cố.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng có hàng trăm kiểu dáng khác nhau từ các thương hiệu khác nhau ở các mức giá khác nhau, mỗi loại sẽ có công dụng khác nhau. Từ các loại găng tay da một lớp, hở ngón đến các loại găng tay dành cho các tay đua che hết phần cổ tay và ngón tay được làm từ da Kangaroo, Titanium, da Cá Đuối... (nghe có vẻ lạ, nhưng thật sự nó rất phổ biến). Tuy nhiên có một vài tính năng cần thiết bạn sẽ tìm thấy trong hầu hết các găng tay xe máy thực thụ:
- Những tính năng bảo vệ bạn khỏi các tác động cụ thể của xe máy, chẳng hạn như gù bảo vệ các khớp đốt ngón tay, miếng trượt cứng dưới lòng bàn tay khi ngã, hai lớp da hoặc vải ở các khu vực dễ bị tác động...
- Thiết kế chính xác để cầm nắm một cách thoải mái
- Đai cố định đóng chặt để giữ găng tay trong trường hợp bị lỏng
- Sự thông thoáng và bảo vệ trước thời tiết
- Các nhà sản xuất găng tay xe máy đã dành nhiều năm ghi nhận những phản hồi từ các tay đua và nghiên cứu sâu rộng hơn về chấn thương do các tai nạn xe máy. Điều đó làm cho các loại găng tay xe máy chuyên dụng trở nên càng ngày tốt hơn và giá cũng cao hơn từ đó.
Hãy cùng mổ xẻ một găng tay xe máy
Phía trên
- Phần che phía sau hoặc trên bàn tay
- Nên dầy và bền, để bảo vệ không chỉ khi xảy ra tai nạn, mà còn từ các lỗi kĩ thuật hoặc các viên đá bên đường có thể ảnh hưởng đến các khớp ngón tay
- Thường được làm từ da tự nhiên (như da bò), hoặc da nhân tạo, hay các vải dệt với chỉ số sợi cao
Phần vải may giữa các ngón tay
- Các mảnh vải nối phần trên và lòng bàn tay
- Thường có tính năng thông hơi tốt trên các vị trí này
Lòng bàn tay
- Thường mỏng hơn so với phần trên, dễ chịu hơn khi cầm nắm và cho cảm giác tốt hơn khi đặt trên tay ga
- Các loại da tự nhiên thường được sử dụng ở bộ phận này, như da dê hoặc kangaroo
Lót
- Tăng cường sự thoải mái bên trong, thay đổi tuỳ theo mục đích của găng tay (chống ẩm, thoải mái, ấm áp, chống thấm,...)
- Thường được làm từ các vật liệu chống nước như (Gore-Tex), giữ nhiệt (Thinsulate)…
Cổ tay
- Cung cấp cho cổ tay một lớp chắn để chống lại cái lạnh và độ ẩm
- Thường sẽ có các yếu tố để bảo vệ như lớp đệm hoặc giáp
Phần Giáp
- Được sử dụng để bảo vệ khỏi các va chạm và cọ xát
- Được làm từ mút xốp eva, nhựa cứng hoặc dẻo, sợi carbon, thép hoặc titan, các vật liệu lạ như da cá đuối.
Đường may
- Một trong những bộ phận bị mài mòn nhiều nhất của găng tay, có nhiệm vụ kết nối mọi thứ trên găng tay lại với nhau.
- Thường được làm bằng các loại sợi siêu bền như Kevlar.
- Thường may kép ở các khu vực quan trọng.
- Được may bên ngoài ở các vị trí ngón tay và lòng bàn tay để tạo sự thoải mái.
Nên mua găng tay vải hay da khi đi xe máy?
Một trong nhũng câu hỏi mà các bạn hay phân vân là găng tay bằng vải dệt hay da là tốt nhất. Sự thật là không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó. Nó phụ thuộc vào những gì bạn muốn và mục đích mà bạn sẽ sử dụng nó.
Nói chung da chống mài mòn tốt hơn nhiều và sẽ phù hợp thoải mái hơn với tay của bạn, nhưng găng tay bằng vải dệt thì có xu hướng chống chịu thời tiết khắc nghiệt tốt hơn rất nhiều. Nếu bạn có một tour phiêu lưu dài ngày và mong muốn đối phó với độ ẩm và thời tiết thì găng tay bằng vải dệt là sự lựa chọn tốt. Nếu không, găng tay da thường là sự lựa chọn.
Ngoài ra phong cách và ngoại hình là một yếu tố. Nếu bạn là một người đi phượt với phong cách bụi bặm, phần lớn trang bị trên người của bạn đều từ vải dệt thì bạn sẽ muốn găng tay của mình giống như vậy để phù hợp. Những người sử dụng xe moto đường trường hoặc thể thao hầu như sẽ luôn chọn găng tay da.
Tầm quan trọng của “Fit”
- Nó cực kì quan trọng cho các trang bị xe máy, từ mũ bảo hiểm cho đến giày, rồi áo giáp... đều phải phù hợp đúng cách. Găng tay cũng không ngoại lệ. Yếu tố phù hợp cực kì quan trọng cho mọi trang bị, nó phải cố định và không bị văng ra khi có tai nạn. Nếu bạn rơi khỏi chiếc xe của mình xuống đường, áo giáp sẽ không làm việc hiệu quả nếu không “fit” vừa cơ thể của bạn, tệ hơn là người một nơi mà áo một nẻo.
- Một lý do khác mà găng tay cần phải vừa vặn là cảm giác điều khiển. Nếu găng tay của bạn quá chặt nó sẽ cản trở thao tác điều khiển xe, nếu chúng quá lỏng lẻo, chúng có thể bó chụm lại và trở nên khó chịu. Găng tay cũng như ủng, phải vừa vặn một cách hợp lí.
- Nó nên vừa vặn với toàn bộ bàn tay, các ngón tay và không có các phần thừa ở đầu ngón tay. Nếu găng bằng da, bạn nên bắt đầu mang bó một chút, vì theo thòi gian nó sẽ giãn ra và fit phù hợp với tay bạn một cách hoàn hảo. Găng tay bằng vải dệt thì nên mang vừa vặn, phù hợp ở lần đầu tiên.
- Vậy làm cách nào để đo chính xác size của găng tay? Thật không may điều này hơi khó khăn. Mỗi nhà sản xuất có kích cỡ găng tay khác nhau, và sự khác biệt kích thước thậm chí còn xảy ra ở các model của cùng một thương hiệu. Một điều thú vị là các thương hiệu châu Âu thường có kích thước nhỏ hơn so với các thương hiệu Mỹ.
- Nếu bạn mua hàng trực tuyến, khi chọn size, điều đầu tiên nên kiểm tra hướng dẫn đo size từ nhà sản xuất, thường được tìm thấy trên trang sản phẩm. Ngoài ra nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ với nhân viên bán hàng của Hebi.vn nhé. Shop mình sẽ hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của tụi mình.
Làm thế nào để chọn găng tay xe máy phù hợp cho bạn?
Khi chọn găng tay xe gắn máy tốt nhất cho bạn, có ba điều quan trọng cần cân nhắc:
1. Phong cách chạy / kiểu xe máy của bạn là gì? Hãy dành thời gian tham khảo về 2 vấn đề này, đến một lúc nào đó bạn sẽ xác định loại găng tay phù hợp với bạn nhất. Găng tay xe đường trường có xu hướng đơn giản và truyền thống, găng tay thể thao/xe đua thường có nhiều giáp và màu sắc nổi bật, găng tay du lịch có nhiều tính năng bảo vệ trước thời tiết.
2. Bạn sẽ đối phó với thời tiết hay kiểu khí hậu nào? Nếu bạn ở trong thời tiết khắc nghiệt hoặc thay đổi khí hậu, chắc chắn bạn sẽ muốn mua một cái găng tay du lịch không thấm nước, có thể được làm bằng vải dệt. Nếu bạn đi xe trong thời tiết khô ráo, bạn có thể quan tâm đến găng tay da.
3. Ngân sách của bạn là bao nhiêu? Với thị trường găng tay hiện nay, bạn có thể chọn được nhiều mẫu găng tay từ các thương hiệu bình dân như Probiker, Oakley, KTM, Monster… Nếu ngân sách hơn chút thì có thể chọn Taichi, Komine… Còn ngân sách eo hẹp hãy mua cho mình một cái tăng tay có những tính năng bạn cần thay vì mua của một thương hiệu nổi tiếng nào đó; bạn có thể thấy rằng một cái găng tay giá vài trăm ngàn ở đó có tất cả các tính năng bạn thường thấy trên găng tay giá một hai triệu trở lên.
Hebi.vn